Cô giáo dạy Toán xinh đẹp Mai Lam đã bắt đầu sự nghiệp trồng rau sạch cho gia đình từ 4 năm về trước. Hiện tại, khu vườn nhỏ trên sân thượng đã ngập tràn rau xanh và có một góc dành cho niềm đam mê trồng hồng của chị.
Lý do để bắt đầu trồng rau, làm vườn của cô giáo trẻ Mai Lam khá đơn giản và thiết thực, đó là do những thông tin hàng ngày mà chị tiếp nhận được về rau không an toàn. Hơn nữa, khi thấy khoảng diện tích trên sân thượng vẫn còn trống nên chị quyết định dọn dẹp, quy hoạch lại sân thượng để trồng rau.
Ban đầu, sân thượng của gia đình chị không có lối lên. Để có thể trồng được rau trên đó, chị đã nhờ ông xã lắp cầu thang inox tạo lối đi thuận tiện cho việc lên xuống cũng như vận chuyển vật liệu, dụng cụ trồng rau. Với khoảng sân thượng rộng 30m2, chị Mai Lam đã quy hoạch khéo léo giúp khu vườn luôn xanh tươi rau quả quanh năm.
Chị thường trồng những loại rau phục vụ cho bữa ăn gia đình như cải ngọt, cải xanh, rau ngót, mồng tơi, rau xà lạch, rau hẹ, rau khoai lang, sâm đất. Chị cũng trồng nhiều các loại cây leo khi tận dụng khoảng diện tích phía trên để làm giàn khung kim loại kiên cố như mướp, khổ qua, thiên lý, bầu tròn, bầu dài, bầu hồ lô, bên cạnh đó, chị cũng trồng nhiều loại rau gia vị như bạc hà, lá cẩm, lộc quế, húng lủi, diếp cá, gừng, sả, hành, hẹ, nghệ…
Chị Mai Lam cho biết, chị chủ yếu sử dụng thùng xốp. Trên sân thượng hiện tại có khoảng 30 thùng với kích cỡ khác nhau, 3 tháp rau, 1 thùng xử lý rác và 1 thùng xử lý mai cua. Vì sử dụng chủ yếu là thùng xốp nên chi phí đầu tư chỉ khoảng 5 triệu đồng.
Để có đất trồng rau được đủ dinh dưỡng, tơi xốp, giúp cây phát triển tươi tốt, chị Mai Lam đã trộn đất sạch, tro trấu, xơ dừa, phân bò khô. Vì khá bận rộn với việc dạy học cũng như chăm sóc gia đình và con nhỏ, sau mỗi vụ trồng cây, chị chọn cách bón bổ sung, hàng ngày tưới phân từ hệ thống xử lý rác, khoảng 1 tháng bón bổ sung phân hữu cơ thay vì cải tạo đất như cách làm thông thường.
Chủ nhân của khu vườn chia sẻ, để rau quả trồng luôn tươi tốt, trước khi gieo hạt chị bón lót phân hữu cơ tan chậm vào dưới đáy chậu, phủ thêm một lớp đất và gieo hạt. Khi cây lớn chị tưới thâm phân ủ hữu cơ. Với các loại cây ăn trái, chị tập trung bón lót ban đầu. Khi cây ra chồi non chị bón bổ sung các loại lân, đạm. Khi cây ra hoa, kết trái chị bón lượng kali nhiều hơn. Sau khi thu hoạch trái, chị bổ sung thêm phân hữu cơ tan chậm quanh gốc để cây ra trái đợt tiếp theo.
Để có phân bón thường xuyên cho rau quả, chị Mai Lam thiết kế thùng xử lý rác hữu cơ. Chị cho biết, hệ thống thùng ủ rất tiện lợi cho việc trồng rau trên sân thượng, vừa tiết kiệm cho phí phân bón vừa tận dụng được nguồn rau thừa, rác dọn dẹp trên sân thượng mà không mất công vứt bỏ. Ngoài ra, chị còn tận dụng nguồn mai cua để ủ vào một thùng riêng. Nước chiết từ mai cua chị thường sử dụng để bón cho các loại cây dài ngày.
Bên cạnh rau sạch, chị còn dành một góc nhỏ để trồng hồng. Vì thời tiết khí hậu ở TP HCM không phù hợp lắm với hoa hồng, hoa cũng hay gặp sâu bệnh nên chị chọn các giống hồng dễ chăm sóc như hồng đào, cổ Sapa, hồng bạch cổ, bạch ho, tiểu muội, bạch trà… Ngoài hồng nội, chị cũng trồng khá nhiều hồng ngoại có khả năng kháng bệnh cao, phù hợp với thời tiết như Spirit of freedom, crown princess margareta, evelyn, jubilee celebration, our lady of guadalupe, spell caster, red eden, garden delight, marosa…